Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực

Bắc Cực là một trong những khu vực cuối cùng chưa được khai thác trên thế giới. Khí hậu và nhiệt độ khắc nghiệt ở nơi đây là rào cản tự nhiên đối với sự phát triển và khai thác, nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đang nhanh chóng thay đổi điều này.

Giờ đây, vùng đất hoang vu hẻo lánh này đang thay đổi. Sự cạnh tranh quốc tế gia tăng sẽ đẩy nhanh chi tiêu quân sự và việc triển khai các lực lượng chuyên biệt đến khu vực để bảo vệ các yêu sách và lợi ích riêng của mỗi quốc gia. Cuộc đua đang diễn ra giữa các quốc gia xung quanh Bắc Cực để khẳng định các tuyên bố chủ quyền trong khu vực và các nguồn tài nguyên quan trọng dưới bề mặt đại dương.

Băng ở Bắc Cực đang tan với tốc độ nhanh chóng, khiến khu vực trở thành điểm nóng cạnh tranh quân sự mới.

Nguồn tài nguyên chưa được khai thác

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và đang nhanh chóng trở thành mối quan tâm chiến lược khi các mô hình thời tiết thay đổi. Băng ở vùng cực đang tan với tốc độ ngày càng nhanh và một số ước tính dự đoán rằng Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng biển mùa hè vào năm 2035. Giờ đây, các tàu có thể đi qua Bắc Cực trên đường đến và đi từ châu Âu và Bắc Á trong những tháng mùa hè. Các tuyến đường mới này ngắn hơn đáng kể so với các tuyến đường thương mại cổ điển qua kênh đào Suez hoặc Panama.

Bắc Cực có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các khoáng chất như niken, bạch kim, palađi và các kim loại đất hiếm nằm dưới đáy đại dương và các vùng cực Bắc của các quốc gia xung quanh nó. Theo các ước tính, Bắc Cực có khoảng 16% lượng dầu chưa được khai thác của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện nằm dưới đáy đại dương.

Thêm vào đó là số lượng lớn các loài cá sống ở vùng biển Bắc Cực giàu sinh vật phù du. Khu vực với nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác này ngày càng trở nên đáng mơ ước. Đối với vận chuyển thương mại, lợi thế tiềm tàng của các tuyến đường Tây Bắc và Đông Bắc là rất lớn.

Mỹ thúc đẩy chiến lược Bắc Cực mới để đối phó với Nga và Trung Quốc.

Nga: chú gấu Bắc Cực thức giấc

Ngay cả trước cuộc chiến của Nga với Ukraine, Nga đã nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa quân đội của mình và Bắc Cực là một khu vực được chú trọng đặc biệt. Mặc dù quân đội Nga đã được trang bị và huấn luyện tốt hơn, nhưng ý tưởng về một lực lượng vũ trang mới chuyên nghiệp và hiệu quả của Nga đã bị thổi phồng quá mức – quân đội của họ gặp khó ở Ukraine trong khi binh lính của họ không được trang bị vũ khí đầy đủ. Lớp băng không thể vượt qua ở vùng cực từng bảo vệ sườn phía Bắc của đất nước giờ không còn như vậy nữa.

Nga, quốc gia lớn nhất thế giới, đã nhận ra rằng sự tan chảy của băng ở Bắc Cực giờ đây đồng nghĩa với việc biên giới dài nhất của nước này – hơn 24.000 km – nằm phía trên Vòng Bắc Cực, bị lộ ra. Lỗ hổng mới này làm thay đổi tư duy quân sự của Nga và nước này đã tiến hành mở rộng các căn cứ ở Bắc Cực.

Nga đã mở lại hơn 50 tiền đồn quân sự cũ của Liên Xô cũ ở phía Bắc, nâng cấp 10 trạm radar, thiết lập các trạm tìm kiếm cứu nạn và cải tạo các đồn biên phòng. Với sự tan chảy của băng ở Bắc Cực, Nga hiện phải xem xét một góc nhìn 360 độ về khả năng phòng thủ tổng thể của mình.

Bộ chỉ huy phía Bắc của hải quân Nga đã được nâng cấp vào năm 2021 để trở thành một trong 5 quân khu của Nga, điều nêu bật tầm quan trọng của khu vực. Họ đã bắt đầu thử nghiệm 13 tàu mới được đưa vào hạm đội của mình và sẽ trang bị cho máy bay và tàu hải quân của mình bằng Kinzhal – tên lửa siêu thanh mới được thiết kế. Lính thủy đánh bộ và các binh sĩ khác đã tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, thực hành việc bảo vệ và chiếm lại các cảng từ kẻ thù tưởng tượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *