Sau Nghị quyết 30: Cần thêm thay đổi về đấu thầu

(PLO)- Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã khơi thông cho mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện thời gian qua.

Liên quan đến các nội dung này, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, cho biết hiện tại máy móc trong BV đều còn sử dụng tốt. Trước khi có Nghị định (NĐ) 07 và Nghị quyết (NQ) 30, BV dự tính đến tháng 6-2023 mà máy móc có hư hỏng, giấy phép hết hạn sẽ phải xin ngân sách TP để mua mới. Tuy nhiên, BV đã tự chủ, ngân sách chỉ chi thường xuyên, không chi đầu tư nên BV cũng lo lắng không đủ kinh phí mua máy.

“Bây giờ đã có các giải pháp giúp gỡ vướng ở vấn đề này. BV không cần lo nữa” – ông Khanh bày tỏ.

Sau Nghị quyết 30: Cần thêm thay đổi về đấu thầu ảnh 1

Bệnh nhân chụp CT scan tại BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhiều nút thắt y tế được gỡ

“NĐ 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế cùng với NQ 30 thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sát với thực tiễn hiện nay, do đó đa phần khó khăn, vướng mắc của các BV đã được tháo gỡ. Các gói thầu của BV Đà Nẵng sẽ nhanh chóng được triển khai” – Giám đốc BV Đà Nẵng Lê Đức Nhân nói.

Theo ông Nhân, trước đây các BV đều gặp khó trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị vì buộc phải có ba báo giá, hoặc cơ quan thẩm định giá nhà nước thẩm định độc lập. Nhiều trường hợp đăng cổng thông tin đến một tháng vẫn không đủ ba báo giá nên không thể lọt qua vòng thẩm định. “Giờ NQ 30 nêu rất rõ là tối thiểu 10 ngày sau khi đăng thông tin, BV thu được bao nhiêu báo giá thì xem đó là giá để xây dựng giá gói thầu, có luôn lộ trình cụ thể” – ông Nhân cho hay.

Đối với những máy móc được cho, biếu tặng, trước đó dù hồ sơ xong rồi nhưng chưa hoàn thành xác lập sở hữu toàn dân (phải qua thẩm định từ các cơ quan cấp trên) nên BV không thể thanh quyết toán BHYT thì NQ đã cho phép thực hiện điều này với điều kiện đầy đủ thủ tục.

Sau Nghị quyết 30: Cần thêm thay đổi về đấu thầu ảnh 2
Người dân mua thuốc chữa bệnh ở quầy thuốc BV đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: BT

NQ 30 chỉ gỡ khó được trong giai đoạn này, còn về lâu dài thì phải tiếp tục kiến nghị.

Ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay đơn vị đang khẩn trương nghiên cứu các quy định của NQ 30 để triển khai trong toàn ngành.

Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “NĐ 07 và NQ 30 giải quyết được rất nhiều khó khăn của ngành y tế, các BV rất mừng. Cạnh đó, vừa qua đa số công ty bị vướng do không được giải quyết cấp phép lưu hành, nhập khẩu dẫn đến không có hàng, các cơ sở y tế có làm đấu thầu thì họ cũng không tham gia được. NĐ 07 gỡ cho các công ty về đăng ký nhập khẩu, giấy phép lưu hành… thì cơ sở y tế sẽ có được nguồn cung dễ hơn trước” – bà Nga nói.


Không để xảy ra tình trạng mỗi BV hiểu một kiểu

Chiều 6-3, Sở Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các BV trên địa bàn TP. Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng chỉ đạo: Cơ sở pháp lý đã có, các BV không để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong công tác chăm sóc, điều trị người bệnh. “Bằng mọi giá, các BV phải làm được điều này. Đặc biệt khi triển khai mua sắm, vận hành trang thiết bị y tế, các BV phải thống nhất trong hệ thống y tế TP, không để xảy ra tình trạng mỗi BV hiểu một kiểu khác nhau. Các giám đốc BV phải tuân thủ, làm đúng quy định” – ông Thượng nói và thêm rằng hằng tuần các BV phải báo cáo nhanh cho Sở Y tế, một tháng sau sẽ sơ kết và tiếp tục đề xuất vướng mắc cho Bộ Y tế.


Cần có thêm thay đổi về đấu thầu

Tuy nhiên, cũng theo bà Nga, NQ 30 chỉ mới gỡ khó được trong giai đoạn này, còn về lâu dài thì phải tiếp tục kiến nghị. Về vấn đề các công ty gặp khó về nguồn hàng nêu trên, bà cũng băn khoăn không biết khi nào mới giải quyết được vì NĐ, NQ mới ra đời, các công ty cũng phải làm nhiều thủ tục liên quan.

“Thời điểm này các BV lại bắt đầu cạn trang thiết bị, nếu BV mua cũng chưa có liền. Đó là chưa kể trang thiết bị, vật tư còn liên quan quy định về đấu thầu. Cụ thể, theo luật thì ngành y tế muốn làm thủ tục xin phép được mua sắm phải qua ba vòng thủ tục, trước đây thường mất 6-8 tháng. Với tình hình hiện nay thì phải 6-8 tháng nữa mới xong gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế năm nay” – bà Nga dẫn chứng, đồng thời cho hay thuốc tại Cần Thơ đáp ứng được 80%, trang thiết bị thiếu nhiều và từ năm trước tới giờ.

Để giải quyết vướng mắc trên, bà Nga đề xuất quy định đấu thầu thuốc cần rõ ràng hơn do Bộ Y tế có hẳn một thông tư liên quan về đấu thầu thuốc, các đơn vị cứ thế áp theo. Với hóa chất, vật tư, trang thiết bị thì không có đặc thù của riêng ngành y tế nên phải thực hiện đấu thầu như của các ngành khác, bị xem như hàng hóa thông thường.

“Các BV nhỏ tuyến huyện dịch vụ đơn giản, bệnh không nặng và trang thiết bị thông thường dễ mua hơn. Cái khó nằm ở những BV chuyên khoa, tuyến càng sâu, bệnh nhân càng nặng thì càng thiếu. Hiện các BV ở Cần Thơ như đa khoa TP, Phụ sản, Tim mạch, Huyết học… thiếu nhiều lắm. BV Huyết học chỉ có mỗi túi máu mà mua hoài không đủ” – bà Nga nêu.

Về công tác mua sắm và thanh toán BHYT, ông Khanh cho rằng xây dựng giá gói thầu có nhiều phương thức để xây dựng, trong đó có áp dụng hình thức “giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày”. Theo ông Khanh, điểm này khó áp dụng vì thời gian ngắn.

“Vậy nên tôi mong muốn thời gian “tối đa không quá 12 tháng vì hình thức mua sắm trực tiếp cũng áp dụng giá mua không quá 12 tháng” – ông Khanh nói và kiến nghị thêm nếu hai năm đấu thầu máy móc một lần sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc BV đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết BV rất mừng khi có NĐ 07: “Đây là tín hiệu vui cho cả y bác sĩ và bệnh nhân. Tuy nhiên, theo tôi, NĐ này chưa hẳn đã giải quyết được 100% về việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Lâu nay chúng ta vẫn còn lệ thuộc 1qvào nhà thầu vì không nhập hàng được, nếu là hàng hóa nhập khẩu còn lệ thuộc nguồn cung ứng. Đến nay, nhiều gói thầu lớn thuốc chữa bệnh, vật tư y tế thuộc thẩm quyền Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa đấu thầu xong”.

Trong khi đó, ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết hiện ngành y tế địa phương đang còn vướng về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch nhà thầu và thực hiện. Vấn đề này, sở đang có đề nghị tỉnh làm rõ.

Cụ thể, trước đây theo Thông tư 58, các gói thầu từ 100 triệu đồng trở xuống thì đơn vị tự quyết định, tự thực hiện; còn trên 100 triệu đồng thì phải có cấp thẩm quyền phê duyệt và hạn mức trình còn nhiều điểm chưa được rõ ràng.

Theo đó, những gói thầu liên quan đến mua sắm hàng hóa thông thường khác thì Sở Tài chính thẩm định trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Còn những hàng hóa của ngành y tế thì Sở Y tế sẽ thẩm định trình chủ tịch UBND… Trong đó, hạn mức trình còn chưa được rõ ràng, cần có hướng dẫn thêm để các đơn vị làm cụ thể.•


Băn khoăn về công khai giá

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 6-3, trưởng Văn phòng đại diện Công ty Phân phối thiết bị y tế Nipon Corporation tại TP.HCM cho biết công ty thường cung cấp máy siêu âm cho các BV như Lê Văn Thịnh, Nguyễn Tri Phương…

Trước đây, công ty có một số thiết bị theo NĐ 98 cũ bị hết hạn giấy phép nhập khẩu vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, công ty phải chuyển qua làm giấy phép lưu hành nhưng Bộ Y tế chưa duyệt hồ sơ kịp dẫn đến giấy phép quá hạn, không nhập khẩu thiết bị được. Hàng hóa bị kẹt ngoài hải quan, không thể thông quan.

“Sau khi NĐ 07 được ban hành, đã gia hạn giấy phép nhập khẩu, giúp việc nhập khẩu máy móc nhanh chóng và dễ dàng hơn” – vị này nhận định.

Tương tự, sau dịch COVID-19, việc cung cấp ba báo giá trở nên khó khăn, BV bị tắc ở khâu xây dựng giá dự toán cho thiết bị cần mua. Từ đó gây khó cho BV trong mua sắm trang thiết bị, cũng gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình phân phối thiết bị. Các máy móc của BV bị hư hỏng sẽ không thay mới hay sửa chữa được.

Hiện nay, điều khoản “không cần tham khảo đủ ba báo giá khi đấu thầu trang thiết bị y tế” của NQ 30 đã giúp gỡ vướng trong việc mua sắm thiết bị.

Cạnh đó, theo ông, NQ này cũng cởi trói cho các trang thiết bị liên kết, đặt máy. Cụ thể, NQ này cho phép tiếp tục thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

“Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, điều khoản về quản lý giá như công khai, kê khai giá sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến kế hoạch định giá thiết bị của doanh nghiệp. Vì mỗi doanh nghiệp có một cách mua bán khác nhau, khi công khai tất cả giá bán, doanh nghiệp sẽ gặp một số bất lợi” – vị này bày tỏ.


https://plo.vn/sau-nghi-quyet-30-can-them-thay-doi-ve-dau-thau-post722737.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *