“Siêu lừa” thực hiện 26 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng

(Dân trí) – Bên cạnh việc chiếm đoạt gần 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng, VKS còn cáo buộc Thành lừa đảo, chiếm đoạt của 4 cá nhân khác số tiền 63 tỷ đồng.

Sáng 9/3, phiên tòa sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xảy ra tại 3 ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).

Phần thủ tục diễn ra trong buổi sáng. Sau đó, HĐXX tuyên bố chuyển sang phần tranh luận, đề nghị VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng, truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 25 bị cáo khác.

Cáo buộc của cơ quan tố tụng cho rằng, Hà Thành đã sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của 3 ngân hàng trên và nhiều cá nhân khác.

Siêu lừa thực hiện 26 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 1
Toàn cảnh phiên tòa (Ảnh: Hải Nam).

Tại ngân hàng VietABank

Theo cáo trạng, Hà Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Vì bị cáo không có tài sản đảm bảo nên đề nghị họ gửi tiền vào VAB, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Tiền gửi vào ngân hàng dưới hình thức đồng sở hữu hoặc gửi vào tài khoản công ty rồi phong tỏa. Chỉ người cho vay mới có quyền rút khi đến hạn.

Từ đó, Thành dùng thủ đoạn gian dối để vay ra hoặc rút tiền từ VAB rồi sử dụng. Để thực hiện, Thành tìm cách tiếp cận Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, chi nhánh Đông Đô), để Hương nói với Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh) việc Thành sẽ đồng sở hữu gửi một số tiền lớn vào ngân hàng. Ngay sau khi gửi, Thành sẽ cầm số sổ tiết kiệm để vay tiền.

Giám đốc chi nhánh Đông Đô của VAB đã cùng nhân viên giúp sức cho Hà Thành trong tất cả các khâu từ khi gửi tiền tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay một cách thuận lợi, giúp Hà Thành chiếm đoạt được tiền từ ngân hàng.

Siêu lừa thực hiện 26 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 2
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (Ảnh: Hải Nam).

Quá trình thực hiện gửi tiền đồng sở hữu, để “Người đồng sở hữu” tin và đồng ý bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm, Thành cần có một nửa hoặc một phần tiền. Biết Thành không có tiền, Thu Hương đã đặt vấn đề, nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng PGD Đông Đô) vay “nóng” tiền hộ Thành và hứa hẹn sẽ được trả lãi cao.

Sau đó, Quỳnh Hương đã bảo lãnh, vay tiền từ nhiều khách hàng khác của ngân hàng giúp Thành.

Tại giai đoạn cấp tín dụng, Thành câu kết với Thu Hương, Quỳnh Hương thực hiện thế chấp sổ tiết kiệm để vay đến 95% giá trị sổ. Việc này diễn ra mà “Người đồng sở hữu” sổ tiết kiệm với Thành không hề biết. Thành và Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) làm giả chữ ký của “Người đồng sở hữu”.

Siêu lừa thực hiện 26 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 3
Đại diện VKSND công bố bản cáo trạng (Ảnh: Hải Nam).

Về việc tất toán khoản vay, Thu Hương và Đức đã giúp Thành tất toán khống số tiền mà Thành vay, bằng cách chỉ đạo nhân viên phụ trách hồ sơ lập khống chứng từ thu tiền để hợp thức hóa việc tất toán, giữ lại sổ tiết kiệm để Thành tiếp tục thế chấp và vay khoản tiền mới, giải ngân bù vào số tiền lập phiếu thu khống nhằm tất toán khoản vay trước.

Với sự giúp sức của lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VAB chi nhánh Đông Đô, Thành đã thực hiện thành công nhiều vụ gửi đồng sở hữu xong lại vay ra nhiều khoản tại ngân hàng này.

VKS cáo buộc, Thành đã vay và chiếm đoạt của VAB hơn 273,8 tỷ đồng, chiếm đoạt của một cá nhân 5 tỷ đồng.

Tại ngân hàng NCB và PVcomBank

Theo cáo trạng, Nguyễn Thanh Tùng từng sở hữu Công ty Eurocell nhưng đã giải thể. Tuy nhiên, Tùng vẫn cầm con dấu của công ty này.

Sau đó, Thành và Tùng muốn sử dụng pháp nhân các công ty Jeongho Landmark và Eurocell để thực hiện vay tiền tại NCB và PVcomBank. Từ mối quan hệ với Thu Hương, Thành quen Nguyễn Hồng Trung (Chuyên viên cao cấp Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (Chuyên viên quan hệ khách hàng, ngân hàng PVcomBank) để làm thủ tục vay tiền.

Để có tài sản đảm bảo cho khoản vay, Thành vay tiền từ anh Đặng Nghĩa Toàn dưới hình thức gửi tiền vào NCB và PVcomBank, rồi để Thành quản lý sổ tiết kiệm. Thành hứa sẽ trả lãi ngoài 4,2 – 4,5%/tháng cho anh Toàn, còn tiền lãi khoản gửi tại ngân hàng, Thành hưởng.

Siêu lừa thực hiện 26 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng - 4
Có 40 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo (Ảnh: Hải Nam).

Tuy nhiên, Thành và đồng bọn đã thực hiện 4 phi vụ để chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng của ngân hàng NCB.

Cụ thể, vụ thứ nhất, ngày 19/6/2018, Thành và Tùng lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống; ký giả chữ ký vợ chồng anh Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm, chiếm đoạt của NCB 19 tỷ đồng.

Vụ thứ 2, ngày 29/6/2018, Thành và Tùng lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa; ký giả chữ ký anh Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm FDAA453780 trị giá 10 tỷ đồng, rồi chiếm đoạt của NCB 9,5 tỷ đồng.

Vụ thứ 3, ngày 14/8/2018, Tùng và Thành ký giả chữ ký vợ anh Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm FDAA456221 trị giá 20 tỷ đồng, để vay và chiếm đoạt của NCB 9,5 tỷ đồng.

Vụ thứ 4, ngày 21/8/2018, Thành và Tùng giả chữ ký vợ anh Toàn trên hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm FDAA456221 để vay tiếp 9,5 tỷ đồng, rồi chiếm đoạt số tiền này.

Tại ngân hàng PVcomBank, Thành và Tùng cũng làm giả hồ sơ vay cầm cố 3 sổ tiết kiệm trị giá lần lượt 12 tỷ đồng, 40 tỷ đồng (mỗi sổ 20 tỷ đồng) mang tên anh Toàn và vợ, để chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng của ngân hàng PVcomBank.

Ngoài những vụ trên, VKS cáo buộc Thành và đồng phạm đã lợi dụng lòng tin của nhiều cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt 58 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định Thành và đồng bọn đã thực hiện 26 phi vụ lừa đảo.

Hải Nam

https://dantri.com.vn/phap-luat/sieu-lua-thuc-hien-26-phi-vu-lua-dao-chiem-doat-hon-430-ty-dong-20230309155255199.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *