Thu 10% tiền trợ cấp mất việc của công nhân là ‘không phù hợp’

TP HCM – Theo chuyên gia, quy định thu 10% với khoản trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp dành cho lao động là không phù hợp, cần sửa đổi theo hướng miễn.

Mới đây do ít đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân (TP HCM) chấm dứt lao động với hơn 2.300 công nhân. Người bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng. Tổng số tiền chi trả là 275 tỷ đồng.

Theo quy định, khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp phải trả cho người lao động thời gian làm việc từ năm 2009 trở về trước, với mỗi năm nửa tháng lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ. Với khoản hỗ trợ cao hơn so với quy định pháp luật như của Pou Yuen, công nhân bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Bảng tính trợ cấp thôi việc với mức khấu trừ thuế hơn 17 triệu đồng của công nhân Pou Yuen. Ảnh: An Phương

Bảng tính trợ cấp thôi việc với mức khấu trừ thuế hơn 17 triệu đồng của công nhân Pou Yuen. Ảnh: An Phương

Đây không phải là lần đầu tiên công nhân Pou Yuen phải đóng thuế thu nhập khi mất việc. Giữa năm 2020, khó khăn về đơn hàng do Covid-19, Công ty Pou Yuen đã cho hơn 2.800 công nhân nghỉ việc. Lần đó công ty chi 260 tỷ đồng hỗ trợ, công nhân bị trừ thuế 10% trên tổng số tiền nhận được.

Trong năm 2020, doanh nghiệp có quy mô lao động thuộc tốp lớn nhất Đồng Nai (khoảng 40.000 người) là Taekwang Vina cũng hỗ trợ hơn 1.500 công nhân nghỉ việc, với mỗi năm làm là một tháng lương, tối đa 22 tháng. Sau đó tất cả lao động bị mất việc phải đóng thuế thu nhập 10% số tiền hỗ trợ. Nhiều công nhân nhận 200-300 triệu đồng bị trừ vài chục triệu nên rất tiếc, dù bộ phận nhân sự giải thích đây là quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn luật sư TP HCM), cho rằng khoản trợ cấp tăng thêm của doanh nghiệp dành cho lao động mất việc phải được miễn thuế. Bởi theo quy định, mức hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động với mỗi năm làm việc nửa tháng lương. Như vậy, phải hiểu đây là mức tối thiểu doanh nghiệp phải chi trả, còn người sử dụng lao động trả cao hơn thì luật luôn khuyến khích và số tiền này vẫn là “trợ cấp thôi việc”, theo quy định không phải chịu thuế.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói nhà nước không nên xem khoản hỗ trợ của doanh nghiệp cho lao động là nguồn thu đột biến để đánh thuế hay tạm khấu trừ. Bởi họ nhận được tiền trong hoàn cảnh “cực chẳng đã” và đánh đổi lại là mất việc.

Chưa kể, mức hỗ trợ tăng thêm cho người mất việc là chính sách nhân văn của doanh nghiệp, giúp công nhân trang trải cuộc sống, tìm việc mới. Nhà nước cần khuyến khích chính sách tương tự như trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo ông Huân, khoản thu 10% như trên tồn tại từ lâu, các bên liên quan nhiều lần nêu ý kiến, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Do đó, tổ chức đại diện người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cần phải nhìn nhận đúng bản chất để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi theo hướng nên miễn.

“Miễn, giảm thuế với khoản hỗ trợ của doanh nghiệp dành cho lao động mất việc chính là thể hiện sự chia sẻ của nhà nước trong lúc khó khăn”, ông Huân nói.

Công nhân Pou Yuen tan ca hồi giữa tháng 10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Công nhân Pou Yuen tan ca hồi giữa tháng 10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Ở góc độ khác, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, nói về mặt cảm xúc nhiều người không ủng hộ công nhân đã mất việc còn bị trừ 10% thuế cho khoản hỗ trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện này cần được nhìn nhận tổng thể, xem xét tính công bằng của pháp luật giữa tất cả lao động.

“Luật đã quy định cá nhân khi nhận thu nhập bất thường phải đóng thuế và sẽ được hoàn trả nếu tổng thu nhập cả năm dưới mức phải chịu thuế”, ông Bình nói và cho biết ở nhiều nước, trợ cấp thôi việc vượt mức quy định phải chịu thuế.

Theo ông Bình, nếu một lao động nhận khoản hỗ trợ mất việc 200 triệu đồng nhưng có 4 người phụ thuộc gồm cha mẹ già, con cái, sau đó tiếp tục thất nghiệp thì đương nhiên được hoàn trả tiền. Tuy nhiên, nếu người này tìm được việc mới, thu nhập vượt khung, phần chênh lệch sẽ phải đóng thuế.

Phó cục Thuế TP HCM Nguyễn Tiến Dũng nói rằng việc khấu trừ 10% khoản hỗ trợ tăng thêm của doanh nghiệp dành cho lao động mất việc là tuân theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ đưa các tình huống phát sinh trong thực tiễn như vụ việc của công nhân Pou Yuen vào các kiến nghị sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ tốt hơn cho lao động bị mất việc.

Tại hội nghị về kinh tế – xã hội TP HCM sáng 3/3, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Cục Thuế thành phố thông tin rõ vấn đề thu thuế với khoản tiền hỗ trợ mất việc đối với công nhân Pou Yuen. Sau khi đánh giá tổng thể, thành phố sẽ kiến nghị không thu nếu thấy cần thiết.

Hiện, để được hoàn thuế, người lao động có thể đến chi cục thuế nơi mình cư trú, hoặc thực hiện theo phương thức điện tử với điều kiện phải có tài khoản giao dịch được xác thực. Hồ sơ gồm có tờ khai quyết toán thuế, người phụ thuộc theo mẫu, chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ.

Trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế, người kê khai phải làm thủ tục đăng ký mới được giảm trừ. Hiện, trong một năm mức giảm trừ của bản thân lao động là 132 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc 52,8 triệu đồng. Nếu tổng thu nhập dưới mức chịu thuế thì số tiền đã khấu trừ được hoàn trả.

Lê Tuyết – Thu Hằng

https://vnexpress.net/thu-10-tien-tro-cap-mat-viec-cua-cong-nhan-la-khong-phu-hop-4576807.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *