‘Visa’ cho sầu riêng

Mới đây, khi ra siêu thị Woolworth gần nhà ở Sydney, tôi tự nhiên vui vì thấy mấy trái sầu riêng đang bày trên kệ.

Người phương Tây nổi tiếng sợ sầu riêng, có lẽ sau món hột vịt lộn một chút. Cách đây không lâu, chỉ vì mùi của mấy vỏ sầu riêng ai đó ăn xong lén bỏ trong giỏ rác của thư viện Đại học Canberra mà cả trường phát báo động inh ỏi, làm hàng trăm người phải tức tốc rời khỏi tòa nhà do tưởng có rò rỉ khí gas.

Mùi sầu riêng rất thơm, ngậy với những người mê trái cây này, nhưng nhiều người phương Tây dị ứng, không chịu đựng được, đến nỗi đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain từng buông ra một câu đại ý: Khi bạn ăn một miếng sầu riêng thì “hơi thở của bạn có cái mùi như bạn vừa hôn môi kiểu Pháp với xác chết”.

Nhưng gần đây, người Australia ở nhiều vùng đã dần quen ăn sầu riêng và đất nước này ngày càng mở rộng cửa với việc nhập khẩu trái sầu. Tridge – trang cung cấp thông tin về thị trường nông sản toàn cầu – cho biết, Australia nhập khẩu khoảng 50 triệu USD sầu riêng mỗi năm.

Bởi vậy, khi thấy mấy trái sầu nằm chễm chệ trong siêu thị Woolworth hoành tráng của người Australia bản xứ, tim tôi đã phập phồng. Len được vào chuỗi siêu thị Woolworth lớn nhất Australia với hàng nghìn siêu thị trải dài toàn quốc là len được vào dân số gần 30 triệu người, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam 22 lần. Tôi vội lật nhãn mác lên xem. Mấy trái sầu riêng trên kệ là của Thái Lan, chứ không phải Việt Nam.

Sau chút chạnh lòng, tôi hiểu, việc mình ít bắt gặp trái sầu riêng Việt Nam ở đây là điều dễ giải thích. Australia có tiêu chuẩn rất khắt khe về nhập khẩu trái cây tươi. Theo các quy định về an toàn sinh học của nước này, bất kỳ loại sầu riêng nhập khẩu nào cũng phải được đông lạnh.

Tháng 10/2019, nửa tấn sầu riêng đông lạnh Ri6 của Việt Nam lần đầu tiên đến được Australia. Ri6 rất được yêu thích ở đây, nhưng số lượng xuất khẩu vẫn chiếm thị phần rất nhỏ so với Thái Lan và Malaysia – hai nhà cung cấp sầu riêng chính cho Australia.

Việt Nam vẫn chậm chân một bước, giống như gạo, nước mắm và nhiều mặt hàng chiến lược khác, so với Thái Lan.

Trước nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng đều là xuất tiểu ngạch. Tới tháng 7/2022, Việt Nam mới đàm phán thành công để “có visa” chính ngạch cho sầu riêng sang Trung Quốc. Ở thị trường chi tới 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu trái sầu này, Thái Lan cũng đi trước Việt Nam, nắm giữ vị trí cung cấp độc quyền sầu riêng tươi suốt một thời gian dài. Thái Lan chiếm 90% thị phần, 10% còn lại chia cho Việt Nam và Malaysia.

Sắp tới mức độ cạnh tranh trên thị trường này có thể khốc liệt hơn nữa. Ngoài Thái Lan và Malaysia, Philippines cũng dự kiến xuất khẩu sầu tươi sang Trung Quốc từ năm nay. Lào và Campuchia đang tăng cường trồng sầu riêng để tranh giành thị trường tại Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã bắt đầu thành công trong việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng, giảm bớt lượng nhập khẩu.

Cuộc chiến bán hàng của bao nhiêu nông dân miền Tây đang bỏ lúa, bỏ mía để trồng sầu riêng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Cho nên, việc xâm nhập và khai thác các thị trường quốc tế ngoài Trung Quốc như Australia chẳng hạn, trở nên rất quan trọng và cấp bách. Người Thái rõ ràng đã nhìn ra từ sớm nên không ngừng tìm mọi cách chiếm lĩnh thị trường còn mới mẻ và đầy tiềm năng này.

Người Thái làm được thì người Việt cũng làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn nếu biết cách. Trong đó khâu marketing, phân phối sản phẩm và xây dựng thương hiệu là chìa khoá thành công. Để làm tốt khâu này, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt phải thay đổi tư duy, năng động hơn rất nhiều so với hiện tại để rút ngắn thời gian hiểu rõ thị trường bản địa, đối thủ cạnh tranh, các quy chuẩn, luật lệ hiện hành; và quan trọng nhất phải tìm cho ra các đại lý, đối tác tin cậy, có khả năng xâm nhập vào các kênh phân phối lớn một cách hiệu quả.

Những thị trường mới như Australia và châu Âu sẽ rất khó tính về chất lượng sản phẩm, nghĩa là trái sầu riêng Việt Nam phải rất ngon và sạch. Điều này đồng nghĩa với khâu chọn giống và phương thức, công nghệ trồng trọt của chúng ta phải có sự đầu tư, nghiên cứu bài bản và cải thiện liên tục thì mới cạnh tranh sòng phẳng được với sầu riêng Thái. Chất lượng sản phẩm lúc nào cũng là điều kiện cần, marketing, thương hiệu là điều kiện đủ.

Con đường phía trước để trái sầu riêng Việt ra biển lớn còn nhiều thử thách nhưng rõ ràng, với việc phương Tây ngày một “quen mùi” sầu riêng, cơ hội chinh phục các thị trường mới của Việt Nam là không nhỏ.

Tôi chờ một ngày nào đó, bước tới kệ sầu riêng của bất cứ siêu thị nào tại Australia, tôi sẽ không phải thất vọng khi lật nhãn mác để tìm ba chữ “Made in Vietnam”.

Lý Quí Trung

https://vnexpress.net/visa-cho-sau-rieng-4579551.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *