Nhiệm vụ ‘khó nhằn’ của Thụy Điển

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua quãng thời gian khó khăn chưa từng có, cương vị Chủ tịch Hội đồng EU hẳn sẽ là ‘chiếc ghế nóng’ với Thụy Điển. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

hủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nêu một số ưu tiên của Stockholm trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, ngày 14/12. (Nguồn: DPA)

Từ ngày hôm nay, 1/1, Thụy Điển chính thức thay thế Cộng hòa Czech đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong nửa đầu năm 2023. Dự kiến, nước này chủ trì ít nhất 2.000 cuộc họp tại Brussels và Luxembourg, cũng như 150 sự kiện khác tại quê nhà.

Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua quãng thời gian khó khăn do tác động từ xung đột Nga-Ukraine, đây sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng với Stockholm.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Thụy Điển, Thủ tướng Ulf Kristersson từng điểm qua các ưu tiên hàng đầu của nước này trong lần thứ ba tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.

Ông khẳng định: “Thụy Điển đảm nhận cương vị Chủ tịch trong bối cảnh EU đối mặt với những thách thức lịch sử. Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn sẽ là nền tảng cho các ưu tiên của chúng tôi”. Thụy Điển lựa chọn Kiruna, thành phố từng là trung tâm quặng sắt nhưng nay đã hướng tới quá trình phát triển xanh, để tổ chức sự kiện nhằm thể hiện tầm nhìn, cam kết về EU của mình.

Bộ trưởng về vấn đề EU Jessika Roswall nhấn mạnh, Stockholm sẽ dành ưu tiên cao cho công việc của khối, bởi “giữ gìn EU và thúc đẩy các vấn đề đòi hỏi giải pháp chung sẽ phục vụ lợi ích của Thụy Điển”. Khi đó, nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Thụy Điển có thể tập trung vào các vấn đề sau.

Bài toán đối ngoại

Trước hết, đó là sự ủng hộ của EU với Kiev trong xung đột Nga-Ukraine. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine về chính trị, tài chính, quân sự và nhân đạo chừng nào còn có thể và còn cần thiết”.

Thực tế cho thấy về mặt kỹ thuật, Cơ quan đối ngoại châu Âu và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, Thụy Điển sẽ có vị trí then chốt trong tìm kiếm đồng thuận về các gói trừng phạt mới với Nga, đặc biệt về vấn đề áp giá trần dầu và khí đốt xứ bạch dương.

Trong bối cảnh nền kinh tế của châu Âu đang chịu ảnh hưởng sâu sắc, tìm kiếm thỏa thuận nêu trên là không dễ dàng. Ba Lan và khối Baltic muốn trừng phạt, trong khi Tây Âu và Nam Âu cho rằng các biện pháp mới cần bảo đảm lợi ích quốc gia. Cuộc gặp thứ hai của Cộng đồng chính trị châu Âu tại Moldova tháng 4/2023 cũng là thử thách không nhỏ khi với nội dung về mở rộng khối và xem xét tư cách thành viên của một số nước, trong đó có Ukraine.

Xứ lý mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ không dễ dàng. Ngoại trưởng Tobias Billstrom khẳng định EU sẽ phải “tìm cách mới để xử lý quan hệ với Trung Quốc”. Trên cương vị Chủ tịch EU, Stockholm sẽ “củng cố sự đoàn kết của EU trước Trung Quốc”, cải thiện sự sẵn sàng trước các hành động của Bắc Kinh và “mối quan hệ nguy hiểm” giữa nước này với Nga.

Quan hệ giữa EU với Mỹ cũng là điểm đáng chú ý. Một mặt, liên kết hai bờ Đại Tây Dương vẫn được duy trì, đặc biệt là trong hỗ trợ Ukraine và trừng phạt Nga, cũng như tháo gỡ vấn đề năng lượng. Mặt khác, không ít nước đã phản đối giá nhiên liệu cao của Mỹ. Khái niệm “tự chủ chiến lược” vẫn là điều xứ cờ hoa, Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước EU chưa thực sự chấp nhận, ngay cả khi nó đang chứng minh sự cần thiết sau những gì diễn ra ở Ukraine.

Thúc đẩy đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland, giải quyết triệt để các thỏa thuận hậu Brexit với Anh cũng có thể được Thụy Điển ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Thụy Điển gia nhập EU vào ngày 1/1/1995. Nước này từng 2 lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU vào các năm 2001 và 2009.

Thách thức bên trong

Về nội khối, vấn đề đặc biệt nan giải là bài toán về năng lượng. Trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng cao, EU đang đẩy mạnh quá trình tích trữ năng lượng để vượt qua mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Thụy Điển là thúc đẩy các nước tìm kiếm các nguồn cung mới, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thậm chí cải tổ thị trường năng lượng để chuẩn bị cho mùa Đông năm sau.

Một câu chuyện khác là duy trì chuỗi cung ứng và bảo đảm sự phát triển của các công nghệ lõi, đặc biệt là trong sản xuất chip. Việc thiếu hụt chip sau đại dịch cho thấy châu Âu đang quá phụ thuộc vào các nước khác trong quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, Thụy Điển có thể sẽ thúc đẩy thông qua Luật Chips châu Âu, cũng như Đạo luật nguyên liệu thô chủ chốt để tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy tự chủ về nguồn chip cho sản phẩm công nghệ cao, bền vững từ lục địa này.

Di cư và tị nạn cũng là vấn đề “nhức nhối” của EU. Khối này vẫn chưa đạt tiến triển trong xây dựng một bộ luật về lĩnh vực này sau khủng hoảng di cư năm 2015-2016. Đây đã trở thành “gót chân Achilles” của khối, nhất là trước dòng người di cư từ Ukraine sang phần còn lại của châu Âu. Trong bối cảnh đó, Thụy Điển được kỳ vọng sẽ tạo tiến triển mới để giải quyết vấn đề này vào năm 2024.

Cuối cùng, Thụy Điển sẽ cần thúc đẩy đoàn kết nội khối. Những bất đồng liên quan đến quá trình xây dựng EU, lực cản từ một số nước cùng nghi vấn hối lộ liên quan đến World Cup chấn động vừa qua đã tác động tiêu cực tới tính gắn kết giữa các thành viên. Do đó, củng cố và thúc đẩy tinh thần đoàn kết nội khối sẽ là yếu tố then chốt để Stockholm hoàn thành thuận lợi nhiệm kỳ Chủ tịch EU của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *