Doanh nghiệp vận tải tổn thất vì chờ đăng kiểm xe

Xe tải phải nằm chờ nhiều ngày để đăng kiểm khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, mất doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải trả.

Có 50 xe container, xe đầu kéo chuyên vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Công ty vận tải logistic Tùng Bách (Hà Nội), đang phải bố trí 10 nhân viên thay nhau đưa xe sắp đến hạn kiểm định đi sửa chữa, bảo dưỡng và tìm nơi đăng kiểm. Họ phải đưa xe đến trạm đăng kiểm từ tối hôm trước, ôm chăn lên xe ngủ chờ đến sáng xếp hàng. Khi đến lượt kiểm định, nếu xe bị phát hiện lỗi thì phải đưa về sửa chữa, sau đó quay lại xếp hàng từ đầu.

Trước Tết, doanh nghiệp ông Linh có 20 xe container phải đăng kiểm. Mỗi xe phải dừng hoạt động 2-3 ngày để sửa chữa, thay phụ tùng rồi mất vài ngày đưa đi kiểm định. Cứ dừng hoạt động một tuần, mỗi xe mất doanh thu 25-30 triệu đồng, trong khi các chi phí cố định gần chục triệu đồng ông vẫn phải trả.

Sang tháng 3, ông dự đoán tình hình kiểm định có thể khó khăn hơn khi số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội đóng cửa nhiều, trong khi doanh nghiệp còn gần 10 xe đến hạn đăng kiểm. Ông Linh nói đơn vị vừa dự định đưa xe sang Vĩnh Phúc thì được tin trạm đăng kiểm ở đó đóng cửa.

“Có thể chúng tôi phải đưa xe đến Quảng Ninh, Lạng Sơn để đăng kiểm. Đường xa, chi phí nhiên liệu cho các xe này cũng không nhỏ. Thời điểm này, doanh nghiệp nào càng nhiều xe càng khốn khổ”, ông Linh nói.

Đăng kiểm tại Trung tâm xe cơ giới 29.03V, đường Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Nội, ngày 1/3. Ảnh: Giang Huy

Đăng kiểm tại Trung tâm xe cơ giới 29.03V, đường Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Nội, ngày 1/3. Ảnh: Giang Huy

Mấy ngày qua, ông Bùi Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Vitranimex, như “ngồi trên đống lửa” vì có gần 100 xe container, xe tải đến hạn đăng kiểm trong tháng 3. Nếu hết hạn đăng kiểm, xe sẽ không thể lưu thông, thất thu hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng loạt hợp đồng chở hàng xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng trên toàn quốc của doanh nghiệp có thể bị đình trệ, nguy cơ bị đối tác phạt hợp đồng hiện hữu.

“Nếu trong các tháng tới chúng tôi vẫn đăng kiểm khó khăn thì có thể phải tăng giá cước vận tải vì chi phí phát sinh khá lớn. Khi nhiều doanh nghiệp tăng giá cước sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội”, ông Long nêu quan điểm.

Từ đầu tháng 3, đội xe tải, xe container của Công ty TNHH Logistics XNK phải chạy nhiều nơi để kiểm định. Giám đốc Lê Huy Phương cho biết đơn vị có bãi hàng ở Lạng Sơn nên thường tập trung xe tại đây để đăng kiểm. Gần đây, trạm đăng kiểm này quá tải, nhiều xe phải đưa đến Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng cũng đông nên mỗi xe vẫn phải chờ 2-3 ngày mới đăng kiểm xong.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh tình trạng quá tải, ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động. Hiệp hội đề nghị các cơ quan có giải pháp tháo gỡ, không làm đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Vitranimex Bùi Văn Long đề xuất gia hạn đăng kiểm cho các phương tiện vận tải 1-2 tháng mà không bị xử phạt. “Đây là vấn đề khách quan, không thuộc lỗi doanh nghiệp nên các cơ quan chức năng cần tháo gỡ để hoạt động kinh doanh của chúng tôi không bị xáo trộn”, ông Long nói.

Chiều 8/3, họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Công an để xử lý ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu huy động đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương chi viện cho trung tâm đăng kiểm Hà Nội và TP HCM. Các đơn vị tăng ca, kíp đáp ứng nhu cầu kiểm định. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện tham gia hỗ trợ đăng kiểm.

Đến 7/3, cả nước có 62 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động trong tổng số 281 trung tâm cả nước, trong đó 54 đơn vị dừng do bị điều tra sai phạm. Riêng Hà Nội chỉ còn 7 trạm đăng kiểm hoạt động với 10 dây chuyền, mỗi ngày kiểm định được khoảng 500 xe, mỗi tháng hơn 11.000 xe.

Trong khi đó, số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 tại Hà Nội là 75.680, chưa kể xe mới đưa vào lưu hành, số xe bị ùn ứ từ các ngày trước đó, nên các đơn vị đăng kiểm chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu. Tình trạng ùn tắc tại nhiều trạm đăng kiểm đã diễn ra từ đầu tháng 3.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân ở Hà Nội chủ động đưa xe sang trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh lân cận kiểm định xe, tránh phải chờ lâu. Ngoài ra, chủ xe cũng cần chủ động bảo dưỡng xe, tra cứu và nộp phạt nguội trước khi đi kiểm định nhằm giảm thời gian làm thủ tục.

Cục cũng đề xuất được mở lại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc sau khi bị công an điều tra, nhất là tại Hà Nội và TP HCM, nơi có số phương tiện lớn. Ngay sau khi được bàn giao từ cơ quan công an, các đơn vị sẽ được trang bị máy tính, cài đặt phần mềm và bố trí đăng kiểm viên làm việc.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng. Hiện nay, Cục Đăng kiểm phải huy động cả những đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại trở lại làm việc.

Đoàn Loan

https://vnexpress.net/doanh-nghiep-van-tai-ton-that-vi-cho-dang-kiem-xe-4578866.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *